Có nên bảo quản hóa chất lỏng dễ cháy trong tủ lạnh gia dụng?
Các bình chứa hóa chất lỏng dễ cháy thường được bảo quản trong tủ lạnh gia dụng hoặc phòng lạnh thông thường. Đây được xem là một biện pháp không an toàn.
Hóa chất lỏng dễ cháy
Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (The Occupational Safety and Health Administration, OSHA – Mỹ), có 2 dạng chất lỏng dễ cháy:
• Chất lỏng dễ cháy – Combustible liquids: Loại chất lỏng có điểm chớp cháy (flash point) trên 38 oC (100 oF). Chúng có thể tạo hơi dễ bắt lửa ở nhiệt độ cao. Ví dụ: Nhiên liệu diesel, dầu động cơ;
• Chất lỏng dễ cháy – Flammable liquids: Loại chất lỏng có điểm chớp cháy dưới 38 oC. Mối nguy hiểm là chúng có thể tạo ra hơi dễ bắt lửa ở nhiệt độ môi trường bình thường. Ví dụ: Xăng, axeton, toluen, dietyl ete.
Nguy cơ cháy nổ khi lưu trữ và bảo quản hóa chất lỏng dễ cháy trong tủ lạnh gia dụng
Các tủ lạnh gia dụng có sẵn trên thị trường đều có nguồn đánh lửa tích hợp. Bóng đèn, công tắc, bộ điều khiển nhiệt độ, công tắc cửa, đèn sưởi, bộ hẹn giờ rã đông, rơle máy nén, bộ điều nhiệt đều là nguồn đánh lửa. Khi đặt một chất lỏng dễ cháy trong không gian kín, sự bay hơi của chất lỏng dễ cháy có thể xảy ra ngay cả từ các bình chứa có nắp đậy kín. Ở nhiệt độ thấp hơn, điều này xảy ra với tốc độ chậm hơn, nhưng nếu tủ được mở không thường xuyên, nồng độ hơi có thể vẫn đạt tới giới hạn nổ dưới. Chỉ cần một tia lửa tạo ra có thể dẫn đến nổ.
Thêm vào đó, việc tràn đổ chất lỏng dễ cháy trong tủ lạnh cũng là một mối nguy hiểm lớn. Tia lửa điện từ công tắc cửa khi tủ lạnh mở ra sẽ gây nổ.
Riêng với phòng lạnh thông thường cũng có thể có nhiều nguồn gây cháy, điển hình là từ động cơ quạt, công tắc đèn hoặc thiết bị điện đang hoạt động trong phòng.
Biểu tượng chất dễ cháy theo phân loại của GHS
Sử dụng thiết bị làm lạnh chuyên dụng để bảo quản hóa chất lỏng dễ cháy
Do đó, với các hóa chất lỏng dễ cháy cần phải bảo quản lạnh thì chúng phải được bảo quản trong tủ lạnh hoặc phòng lạnh được thiết kế riêng đặc biệt và được phê duyệt, một số đặc điểm như:
• Nội thất bằng vật liệu chống cháy nổ.
• Tất cả các nguồn đánh lửa như: đèn, công tắc cửa, bộ điều chỉnh nhiệt… được loại khỏi thiết bị này.
• Chốt cửa dạng chốt cửa từ thay vì chốt cửa cơ học để loại bỏ nguồn tia lửa.
• Hệ thống bảo vệ quá dòng và quá áp với tất cả các thành phần được nối đất để đảm bảo tĩnh điện được xả ra một cách an toàn.
Cần bảo quản hóa chất lỏng dễ cháy trong thiết bị làm lạnh chuyên dụng
Như vậy, việc bảo quản hóa chất lỏng dễ cháy trong tủ lạnh gia dụng hoặc phòng lạnh thông thường là rất nguy hiểm do nguy cơ cháy nổ cao. Nguyên nhân là do sự bay hơi của chất lỏng dễ cháy kết hợp với các nguồn đánh lửa tiềm ẩn. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng cần được bảo quản trong tủ lạnh hoặc phòng lạnh được thiết kế đặc biệt phù hợp riêng. Tuyệt đối KHÔNG được phép sửa đổi tủ lạnh gia dụng để lưu trữ các chất lỏng dễ cháy.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY TNHH S-CHEM
Địa chỉ: Lô LL9 đường số 2, khu công nghiệp Xuyên Á, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, Việt Nam
Điện thoại: 0908115803
Email: infor.schem@gmail.com